Cống và mạng cống với TDC 2011
1. Giới thiệu
Trong các dự án thiết kế đường, một công việc không kém phần quan trọng đó là hạng mục thoát nước cho tuyến đường. Cách làm thủ công sẽ lấy đi rất nhiều thời gian của người thiết kế và không thể tránh khỏi những sai sót chủ quan làm mất độ chính xác của các công đoạn tính toán. TDC sẽ giúp người thiết kế tự động hóa quá trình để rút ngắn thời gian thiết kế và tăng tính chính xác. Nó bổ trợ các tính toán trong quá trình thao tác thiết kế. Với mô hình đa tuyến đường và đa tuyến cống, TDC có thể thích ứng với nhiều kiểu dự án thoát nước khác nhau, thoát nước cho tuyến đường đơn hay mạng đường liên hợp... Kết quả cuối cùng và các dạng số có thể chuyển đổi hoặc liên thông tới các chương trình hổ trợ khác, dễ dàng cho người thiết kế tiếp tục các công việc tiếp theo.
Trong quá trình thực hiện chương trình, TDC đưa ra khuynh hướng xử lý công việc theo chủ ý thiết kế ban đầu. Với mong muốn chương trình ngày càng phát triển và có tính tùy biến theo công việc cao, TDC liên kết vớiwww.revitviet.vn để giúp người dùng có thêm một địa chỉ để thảo luận về chương trình. Nhóm tác giả luôn thu nhận các góp ý từ người dùng để TDC ngày càng hoàn thiện hơn.
2. Cấu trúc
TDC được thiết kế là một chương trình phát triển hổ trợ trên nền AutoCAD. Chủ đạo dựa trên ngôn ngữ AutoLISP. Cho dù AutoLISP là ngôn ngữ bán chuyên nghiệp nhưng với ưu điểm không tạo ra các thư viện đối tượng mới trong cơ sở dữ liệu của môi trường AutoCAD nên dễ dàng sử dụng sản phẩm cuối cùng của TDC trên tất cả các hệ thống có cài đặt TDC hay không. Với cấu trúc đó, TDC mang đầy đủ các ưu điểm và khuyết điểm của một công cụ LISP trên nền AutoCAD.
TDC hiển thị và hoạt động chính xác trên các phiên bản AutoCAD có hổ trợ Unicode. Và luôn được cập nhật tương ứng với các phiên bản AutoCAD mới nhất. Mọi cập nhật có thể tìm thấy ở www.revitviet.vn
TDC hoạt động phối hợp và dưới sự điều hành của chương trình Cs_lisp. Cs_lisp là một phần mềm quản lý và điều phối các gói công cụ hổ trợ được cung cấp bởi cùng nhóm tác giả. Công cụ này hoàn toàn miễn phí. Cs_lisp sẽ quy định TDC được tải hay không trong các tài liệu của AutoCAD để hạn chế chiếm dụng tài nguyên hệ thống và tránh các lỗi xung đột với các phần mềm hoặc công cụ hổ trợ khác trong cùng môi trường AutoCAD.
3. Cơ chế hoạt động
3.1. Các định nghĩa quan trọng
Để có được kết quả cuối cùng khi ứng dụng một phần mềm, người dùng cần tuân thủ các quy tắc ứng xử với phần mềm. Đó là số liệu đầu vào cần thiết và trình tự thực hiện các công việc. TDC cố gắng đưa ra một trình tự thực hiện sao cho người dùng có thể dễ dàng thích nghi nhất. Các bước thực hiện có thể luân chuyển, đổi phiên cho nhau.
Trong TDC có các định nghĩa đặc thù. Các định nghĩa giúp người dùng nắm rõ ý đồ của chương trình để vận hành chính xác. Bao gồm các định nghĩa sau:
- Tuyến đường: được đặc trưng bởi tên tuyến và đối tượng đường tim. Tuyến đường chứa đầy đủ các thông tin về địa hình tự nhiên và các giá trị thiết kế.
- Mạng đường (đa tuyến đường) là hệ thống nhiều tuyến đường chồng chéo nhau trên mặt bằng.
- Tuyến cống là đường cống nối liền các hố ga. Tuyến cống có thể bắt đầu và kết thúc là cửa xả.
- Mạng cống (đa tuyến cống) là các tuyến cống được gắn nối với nhau để phối hợp hoạt động.
3.2. Trình tự thực hiện tổng quát trong TDC
Bước 1: Định nghĩa và khai báo cho các tuyến đường trong mạng đường.
Bước 2: Chia nhỏ mạng tuyến cống thành các tuyến cống đơn. Mỗi một tuyến cống được bố trí căn cứ theo một tuyến đường.
Bước 3: Bố trí và thiết kế chi tiết cho từng tuyến cống.
Bước 4: Nối các tuyến lại để tạo thành mạng cống.
3.3. Chuyển đổi trong quá trình thực hiện
Trong quá trình thiết kế với TDC có hai 2 việc chuyển đổi được tiến hành thường xuyên đó là chuyển đổi tuyến đường hiện hành và chuyển đổi tuyến cống hiện hành. Tại bất kỳ một thời điểm, nếu đã tồn tại trong cơ sở dữ liệu, TDC luôn thực hiện các bước tính toán căn cứ trên tuyến đường và tuyến cống hiên hành.
Có 2 quá trình khác biệt nhau. Quá trình thực hiện có thể luân phiên hoán đổi trình tự và quá trình không thể thực hiện điều này. Việc khai báo số liệu cho các tuyến đường và bố trí trên bình đồ có thể luân phiên trình tự và có thể chuyển đổi tuyến hiện hành khi chưa hoàn tất khai báo cho tuyến hiện tại. Sau khi định nghĩa và cập nhật giá trị cho các tuyến cống, công việc thiết kế trắc dọc cống tiếp theo phải theo đúng trình tự nhất định và cũng không thể chuyển đổi tuyến cống khi chưa hoàn thiện thiết kế cho tuyến cống đó.
4. Sơ đồ các bước thực hiện
Sơ đồ thực hiện công việc với TDC :
+ Nhập số liệu thiết kế tuyến: bao gồm xác định các số liệu thiết kế của tuyến trên bình đồ, trắc dọc và trắc ngang (xem chi tiết tại mục 5).
+ Bố trí bình đồ: bố trí các hố ga thoát nước trên bình đồ cùng cửa xả và hiệu chỉnh các số liệu thiết kế trước khi vẽ trắc dọc cống và thiết kế đường cống.
+ Kẻ đường đỉnh cống: sau khi có được trắc dọc cống theo các cọc hố ga đã bố trí trên tuyến, tiến hành kẻ đường đỉnh cống, xác định cao độ đặt cống cho các đoạn cống và cao độ của các hố ga.
+ Điền thiết kế: khi đã cố số liệu cao độ đường cống và các hố ga, tiến hành điền thiết kế cho trắc dọc cống và bình đồ hoàn thiện.
+ Khối lượng: nếu số liệu tự nhiên tuyến ở dạng đầy đủ (có số liệu tự nhiên cho các trắc ngang), tiến hành tính toán khối lượng đào đắp cho hệ thống thoát nước.
5. Số liệu đầu vào
5.1. Các số liệu cần chuẩn bị
Số liệu đầu vào cho TDC bao gồm 2 dạng chính: Số liệu cho tuyến đường và số liệu cho thiết kế thoát nước. Số liệu cho tuyến bao gồm các giá trị đầu vào như sau:
- Bình đồ tuyến ở dạng bản vẽ
- Số liệu cao độ hiện trạng tuyến đường theo trắc ngang
- Cao độ thiết kế tuyến đường
- Cấu trúc trắc ngang thiết kế
Số liệu thiết kế thoát nước bao gồm nhiều giá trị khác nhau để phục vụ cho quá trình tính toán tuyến cống. Các số liệu này sẽ được đòi hỏi khi cần thiết trong từng bước thực hiện.
5.2. Chi tiết về số liệu đầu vào
5.2.1. BÌNH ĐỒ TUYẾN
Bình đồ tuyến là bình đồ thiết kế đã hoàn thiện với các hạng mục ngoài thoát nước ở dạng bản vẽ AutoCAD. Yếu tố quan trọng trong bình đồ là các đường tim tuyến đường. Yêu cầu các đường tim phải là một đối tượng Polyline thông suốt từ đầu tuyến đến cuối tuyến. Trong các trường hợp để hạn chế lỗi phát sinh có thể sử dụng các lệnh phụ trợ để chuẩn bị tim tuyến chính xác cho các công việc tiếp theo.
5.2.2. SỐ LIỆU HIỆN TRẠNG
Để tính toán khối lượng cho hạng mục thoát nước TDC cần cung cấp số liệu tự nhiên của khu vực tuyến. Số liệu tự nhiên theo cấu trúc dạng trắc ngang. Số liệu này có thể nhập trực tiếp hoặc chuyển đổi từ các dạng số liệu khác liên quan. Trong một vài trường hợp đường cống kéo dài ra ngoài phạm vi tuyến (phạm vi không có số liệu) TDC sẽ kiểm duyệt và yêu cầu người dùng nhập thêm các số liệu cần thiết cho các điểm tính toán ngoài vùng này.
5.2.3. CAO ĐỘ THIẾT KẾ
Cao độ thiết kế tại tim đường. Cần khai báo trắc dọc thiết kế với đầy đủ các số liệu. TDC sẽ kết hợp với cấu trúc trắc ngang thiết kế của tuyến của các pham vi khác nhau trên tuyến để tính ra các giá trị thiết kế cần thiết. Cũng như số liệu về hiện trạng, trong một vài trường hợp ngoài phạm vi tuyến TDC cũng sẽ yêu cầu người dùng nhập thêm các giá trị cần thiết.
5.2.4. CẤU TRÚC TRẮC NGANG - SIÊU CAO
Cấu trúc trắc ngang là các giá trị thiết kế trắc ngang cơ bản của tuyến trên từng đoạn tuyến khác nhau. Các giá trị này là:
- Bề rộng mặt đường
- Bề rộng lề đường
- Chênh cao giữa lề và mặt
- Siêu cao
Trong một vài trường hợp trên trắc ngang thiết kế có thêm nhiều hạng mục khác, số liệu có thể được người dùng điều chỉnh lại trước khi thực hiện tính toán thiết kế cho phần thoát nước.
5.3 Trình tự nhập số liệu
5.3.1. SỐ LIỆU SƠ BỘ
Trong quá trình thiết kế cho tuyến cống, TDC sẽ trợ giúp cho người dùng trong từng bước thực hiện công việc. TDC nhận các giá trị được khai báo từ việc nhập số liệu thiết kế sơ bộ này để đưa ra các tính toán ban đầu giúp quá trình thao tác của người dùng được rút ngắn và chính xác hơn. Một vài giá trị trong hộp thoại khai báo này có thể sẽ thay đổi trong quá trình thiết kế về sau.
5.3.2. XÁC ĐỊNH TIM TUYẾN
Trước khi khai báo các số liệu cho một tuyến đường, tuyến được định nghĩa ban đầu bằng việc xác định tim tuyến. Bao gồm xác định các thông số: Đường tim trên bình đồ, điểm đầu tuyến và tên tuyến.
5.3.3. SỐ LIỆU KHẢO SÁT ĐỊA HÌNH TUYẾN
Có hai kiểu số liệu khảo sát địa hình tuyến. Dạng đầy đủ bao gồm dữ liệu cao độ tự nhiên dưới dạng các trắc ngang, với kiểu dữ liệu này có thể tính được khối lượng đào đắp cho cống và hố ga. Dạng cao độ tự nhiên tại tim tuyến, chỉ bao gồm đường đen. Với dạng dữ liệu này chỉ có thể thiết kế ra trắc dọc cống và không thể tính toán khối lượng.
Khi tiến hành nhập số liệu hiện trạng với thiết lập là dạng đầy đủ cho tuyến, hộp thoại sau sẽ giúp người dùng nhập vào các số liệu cần thiết:
Với thiết lập ‘Tim tuyến’ người dùng cần xác định đường đen trên bản vẽ, có hộp thoại sau:
5.3.4. CAO ĐỘ ĐƯỜNG ĐỎ
Cao độ đường đỏ có thể nhập giá trị trực tiếp tại các cọc trên tuyến hoặc nhặt từ bản vẽ. Đường cong đứng có thể xác định bằng chiều dài đường cong đứng hoặc bán kính đường cong đứng. TDC sẽ tính toán các giá trị cao độ thiết kế tại tim tương ứng với các cọc hố ga. Kết hợp với dữ liệu cấu trúc trắc ngang TDC sẽ tính toán được cao độ tại vị trí các hố ga. Hộp thoại nhập giá trị cao độ cho đường đỏ như sau:
Trường hợp nhặt đường đỏ từ bản vẽ trắc dọc thiết kế: Để TDC hiểu được các giá trị của đường đỏ nhặt từ bản vẽ, cần khai báo thêm một số tham số tính toán khác:
5.3.5. CẤU TRÚC TRẮC NGANG THIẾT KẾ
Trên tuyến đường hoặc trong mạng đường có thể có nhiều dạng mặt cắt ngang với các kích thước khác nhau. Để tính toán chính xác các giá trị cần thiết tại một vị trí bất kỳ thuộc tuyến, cần khai báo các giá trị kích thước trên mặt cắt ngang. Các giá trị kích thước trên một trắc ngang tạo thành một tập hợp được gọi là trắc ngang mẫu.
Khai báo các trắc ngang mẫu:
Sau khi có các trắc ngang mẫu, ứng với các đoạn tuyến khác nhau được áp các trắc ngang mẫu khác nhau.
Ngoài các giá trị kích thước cấu tạo cắt ngang, siêu cao cũng cần thiết để thực hiện quá trình tính toán.
5.4. Định nghĩa các tuyến đường khác nhau
Mạng đường được định nghĩa là bao gồm nhiều tuyến đường đơn cấu tạo thành. Để khai báo đầy đủ cho mạng đường cần khai báo đầy đủ cho từng tuyến đường đơn. Trong quá trình khai báo dữ liệu, sau khi định nghĩa các tuyến đường có thể luân chuyển việc nhập dữ liệu giữa các tuyến khác nhau. Các dữ liệu nhập vào sẽ được gán cho tuyến đường hiện hành. Vì vậy trong quá trình nhập dữ liệu cần thay đổi tuyến hiện hành để nhận dữ liệu chính xác cho các tuyến.
6. Bố trí bình đồ
6.1. Các kiểu chèn hố ga
Để bố trí hố ga trên bình đồ, TDC hổ trợ nhiều phương pháp khác nhau để người dùng có thể linh hoạt sử dụng trong quá trình thực hiện công việc. Với các khai báo từ việc nhập số liệu sơ bộ, TDC sẽ tính toán và đưa ra các gợi ý trong quá trình thực hiện. Các gợi ý này người dùng có thể thay đổi giá trị. TDC có các kiểu chèn hố ga sẽ được giới thiệu dưới đây.
6.1.1. CHÈN HỐ GA ĐẦU TUYẾN
Để bắt đầu một tuyến cống, việc chèn hố ga đầu tuyến là công việc không thể thiếu. Hố ga đầu tuyến là căn cứ để chèn các hố ga tiếp theo. Ngoài tên hố ga do người dùng quy định, TDC còn cung cấp cho các hố ga chỉ số thứ tự. Chỉ số này dùng để sắp xếp thứ tự nối tiếp nhau giữa các hố ga. Khi chèn một hố ga mới chỉ số thứ tự được tự động cập nhật. Với hố ga đầu tuyến, chỉ số này luôn bằng 0. Như vậy, với một tuyến cống bất kỳ, nếu chưa khai báo cửa xả, bắt đầu tuyến luôn là ‘hố ga đầu tuyến’.
6.1.2. CHÈN TỰ DO
Khi việc chèn hố ga không cần quan tâm đến các trị số gợi ý và khoảng cách giữa 2 hố ga người dùng nên chọn phương thức chèn hố ga này. Khi trên bình đồ có các vị trí hố ga khống chế hoặc tại các giao điểm giữa nhiều tuyến đường khác nhau việc chèn tự do đặc biệt hữu ích trong trường hợp này.
6.1.3. CHÈN VỚI KHOẢNG CÁCH CHẲN
Có thể đây là việc chèn được sử dụng nhiều nhất trong các trường hợp. Việc chèn từng hố ga trên tuyến để có vị trí hợp lý là một đòi hỏi thường xuyên đối với người thiết kế thoát nước cho tuyến đường, đặc biệt đối với các tuyến trong khu đô thị. Việc chèn này được TDC bổ trợ phương pháp để hố ga sau khi bố trí luôn tạo ra các đoạn cống nối với khoảng cách chẳn, tạo điều kiên thuận lợi và tiết kiêm chi phí cho việc thi công.
6.1.4. CHÈN THEO BẢNG GIÁ TRỊ
Việc chèn hố ga được thực hiện tự động theo bảng khoảng cách cho sẵn được cung cấp từ người dùng.
6.1.5. CHÈN RẢI ĐỀU KHOẢNG CÁCH CỐNG TRÊN TUYẾN
Với chức năng này, TDC tự động chèn liên tục các hố ga trên tuyến với khoảng cách cống bằng nhau cho đến kết thúc tuyến.
Ngoài những chức năng hổ trợ chèn hố ga, nếu có các thay đổi sau khi chèn, người dùng được cung cấp thêm các công cụ để chỉnh sửa thay đổi. Nếu cần thay đổi vị trí, người dùng có thể thay đổi tự do vị trí của hố ga trên bình đồ cùng đường nối cống. Sau khi thay đổi cần thực hiện việc sửa hố ga để cập nhật lại cho hố ga các tham số có liên quan khác phục vụ cho quá trình tính toán. Thực hiện chèn thêm giữa hai hố ga sẵn có hoặc chuyển hướng cống ...
Lưu ý: trong quá trình chèn hố ga, TDC nhận dữ liệu và tính toán tương ứng với tuyến đường hiện hành. Một tuyến đường có thể có nhiều tuyến cống, nhưng một tuyến cống chỉ đi liền với một tuyến đường.
6.2. Khai báo cống
Sau khi đã có các hố ga trên tuyến, các đoạn cống nối giữa hố ga được tự động tạo ra. Với dữ liệu tính toán đường kính cống, người thiết kế quy định đường kính hay loại cống cho các đoạn cống khác nhau.
Với hộp thoại trên, sau khi chọn loại cống. Người dùng sẽ xác định các đoạn cống trên bình đồ tương ứng với loại cống đã chọn. Khi đã quy định loại cống, trên bình đồ sẽ xuất hiện các dòng chú thích cống với tên loại cống tương ứng, nhưng các giá trị độ dốc và chiều nước chảy sẽ chưa có. Sau khi thiết kế cao độ trên bình đồ, các giá trị này sẽ được cập nhật theo dữ liệu thiết kế.
6.3. Định nghĩa các tuyến cống khác nhau
Sau khi bố trí các hố ga tạo thành một tuyến cống tương ứng trên một tuyến đường, cần định nghĩa tên cho tuyến cống này cùng việc chỉ định lại các hố ga thuộc tuyến cống. Sau khi thực hiện định nghĩa tuyến cống, tên của tuyến cống sẽ là đặc trưng để phân biệt các tuyến khác nhau. Khi định nghĩa TDC sẽ cập nhật thông tin về tuyến đường hiện hành đi kèm tuyến cống để khi thực hiện chuyển đổi giữa các tính toán, TDC vẫn tính toán cho tuyến cống hiện hành với tuyến đường đi kèm trong định nghĩa. Như vậy, khi thực hiện chuyển đổi tuyến cống, việc tính toán cho tuyến cống lúc này không còn dựa trên căn cứ của tuyến đường hiện hành.
6.4. Điền tên hố ga
Việc điền tên hố ga chỉ có thể thực hiện sau khi tuyến cống đã được đã định nghĩa. Tên hố ga hoàn toàn do người dùng quy định, chỉ số của hố ga được đánh thứ tự tăng dần theo trục X hoặc Y của hệ tọa độ gốc AutoCAD. Mặc định đặt tên hố ga của TDC được bắt đầu bởi ký hiệu ‘HG’ tiếp theo là mã của tuyến đường tương ứng với thứ tự tạo ra tuyến đường trong cơ sở dữ liệu. Tiếp đến là mã của tuyến cống tương tự như mã tuyến đường và chỉ số thứ tự hố ga trong tuyến cống.
6.5. Xác nhận dữ liệu cống
Sau khi điền tên hố ga, cần cập nhật các thông số và cho TDC thực hiện tính toán căn cứ trên dữ liệu tuyến đường để có các giá trị cần thiết cho việc vẽ trắc dọc cống và các công việc khác sau này.
Khi công việc thiết kế thực hiện đến bước này, TDC đã có dữ liệu đầy đủ cho việc vẽ trắc dọc cống tiếp theo. Khi thực hiện chuyển đổi tuyến cống hiện hành, các dữ liệu liên quan sẽ được chuyển đổi theo. Các công việc tiếp theo nên thực hiện đúng trình tự và chỉ thực hiện chuyển đổi tuyến cống hiện hành khi đã hoàn tất các công đoạn với tuyến cống này. Nếu người dùng thực hiện chuyển đổi tuyến cống hiện hành khi chưa hoàn tất các dữ liệu về tuyến cống trước đó thì các dữ liệu của tuyến cống trước đó sẽ không còn giá trị. Trong trường hợp này nên tiến hành thiết kế lại từ bước vẽ trắc dọc cống.
6.6. Kiểm tra và hiệu chỉnh các số liệu trước khi thiết kế
Sau khi hoàn thiện các thiết kế trên bình đồ, TDC đã có những bước tính toán các số liệu cần thiết tương ứng với thiết kế. Nên kiểm tra lại các số liệu này trước khi đi vào thiết kế cao độ cho tuyến cống. Các số liệu tính toán được cũng có thể điều chỉnh theo ý của người thiết kế cho các trường hợp cá biệt. Việc chèn thêm các cửa xả trên tuyến cũng được xác nhận trong bước này.
Với định nghĩa về một tuyến cống của TDC là tuyến bao gồm các hố ga nối liền nhau bằng các đoạn cống với bắt đầu và kết thúc có thể là các cửa xả. Từ định nghĩa đó, ta nên xác định vị trí của các cửa xã trên tuyến trước rồi từ đó có định nghĩa các tuyến cống hợp lý.
7. Thiết kế trắc dọc cống
7.1. Vẽ trắc dọc cống
Khi đã có số liệu từ bình đồ có thể tiến hành vẽ trắc dọc cống với các cọc hố ga. Lúc này trắc dọc cống được vẽ ra sẽ chưa có các giá trị cao độ chi tiết. Khi thực hiện lệnh vẽ trắc dọc, tuyến cống hiện hành sẽ được vẽ.
Các đầu trắc dọc cống được tùy biến do người sử dụng quy định và khai báo khi thực hiện nút lệnh 'Khai mẫu bảng':
7.2. Thiết kế đường đỉnh cống
Tiến hành kẻ đường đỉnh cống trên trắc dọc cống. Trong số liệu về cống có nhiều giá trị cao độ khác nhau như cao độ đỉnh cống, cao độ đáy cống, cao độ đáy hố ga … TDC chọn cao độ đỉnh cống làm chuẩn để tính toán ra các cao độ khác. Đường đỉnh cống là đường nối các cao độ đỉnh cống tại các cọc hố ga trên trắc dọc cống. Người thiết kế căn cứ vào tình hình thực tế và ý đồ thiết kế sẽ đưa cho đường đỉnh cống. Sau khi vẽ trắc dọc cống và thể hiện đường cao độ nắp (đỉnh) hố ga, TDC tự động xác định đường tương ứng thể hiện phạm vi đắp an toàn trên cống theo quy trình, giá trị này được quy định trong bước nhập số liệu thiết kế sơ bộ. Đây là căn cứ giúp người thiết kế kẻ đường đỉnh cống không phạm quy trình. Đường thể hiện này nếu không được sử dụng TDC sẽ tự động xóa khi điền thiết kế.
7.3. Xác nhận đường đỉnh cống
Trong quá trình kẻ đường đỉnh cống, người thiết kế có thể kẻ nhiều đường khác nhau. Khi xác định được đường đỉnh hợp lý nhất, tiến hành xác nhận đường thiết kế. Trong trường cá biệt, có thể sử dụng ngay đường ranh phạm vi an toàn của quy trình để làm đường đỉnh. Sau khi xác định được đỉnh cống, TDC sẽ tính toán các giá trị cần thiết cho toàn bộ cống và hố ga trên tuyến tạo cơ sở dữ liệu để điền thiết kế.
7.4. Điền thiết kế
Sau khi đã có được số liệu cao độ chi tiết của đường đỉnh cống thiết kế TDC sẽ điền lại các giá trị cần thiết trên trắc dọc cống cũng như trên bình đồ. Việc điền thiết kế cho trắc dọc cống sẽ làm hỏng đường đỉnh cống vừa thiết kế. Do đó, trước khi điền thiết kế cống cần lưu lại đường đỉnh cống. Khi có điều chỉnh, tiến hành vẽ lại trắc dọc cống và khôi phục đường đỉnh cống đã lưu. Sau đó thực hiện các điều chỉnh và điền lại thiết kế. Trên bình đồ cống, các giá trị liên quan sẽ được cập nhật khi thực hiện điền bình đồ tương ứng với các tính toán đã cập nhật hiệu chỉnh.
8. Tính toán khối lượng
8.1. Thiết kế sơ bộ cống - hố ga
Để có thể tính toán được khối lượng đào đắp cho tuyến cống cần phải có số liệu về cống và hố ga. TDC lọc ra các loại cống được sử dụng trong tuyến hiện hành và yêu cầu người dùng nhập các giá trị sơ bộ cần thiết cho quá trình tính toán khối lượng đào đắp.
8.2. Nội suy trắc ngang và tính khối lượng
Số liệu trắc ngang tự nhiên tuyến theo các cọc của tuyến. Do đó, để có thể tính toán tại cọc hố ga, TDC cần nội suy cao độ tự nhiên dạng trắc ngang tại các cọc hố ga. Trong quá trình tính toán TDC sẽ tiến hành vẽ trắc ngang tại cọc hố ga và xác định khối lượng đào cống trên các trắc ngang này cũng như xác định các giá trị cần thiết cho việc tính toán đối với hố ga. Các giá trị này được điền ngay trên các trắc ngang. Các giá trị tính ra được dùng để tính toán và lập bảng khối lượng đào đắp. Bảng khối lượng được lập và xuất ra dạng ‘*.xls’ cùng công thức tính toán. Người dùng dễ dàng điều chỉnh công thức phù hợp với yêu cầu.
9. Nối các tuyến cống
Trong thiết kế ta có nhiều tuyến cống trên một tuyến đường hay trong mạng đường. Để các tuyến cống phối hợp hoạt động được với nhau ta cần nối các tuyến này lại. Sau khi xác định đoạn nối các tuyến cống TDC sẽ vẽ chi tiết các đoạn nối và tính khối lượng cho các đoạn này.
10. Phụ trợ
10.1. Thiết kế chi tiết cống và hố ga
TDC sẽ thống kê các loại cống và hố ga có sử dụng trên tuyến lập thành một hệ cơ sở dữ liệu. Sau khi nhận từ người người các giá trị thiết kế cho từng loại cống và hố ga, TDC sẽ kết hợp với hệ cơ sở dữ liệu trên để hổ trợ xuất bản vẽ chi tiết cho từng cống và hố ga trên toàn tuyến cũng như tính toán và thống kê khối lượng.
10.2. Vẽ lại trắc ngang tự nhiên theo số liệu đã nhập vào
Nếu số liệu địa hình tự nhiên tuyến ở dạng đầy đủ, TDC hổ trợ người dùng vẽ lại trắc ngang tự nhiên cho tuyến đường tương ứng với số liệu này khi cần thiết. Nếu số liệu ở dạng tim tuyến, chúng ta sẽ không thể thực hiện được chức năng này.
10.3. Bố trí bản vẽ vào khung tên
Đây là một chức năng phụ trợ giúp bố trí nhanh các dạng bản vẽ như bình đồ, trắc dọc, trắc ngang vào khung tên. Khung tên được tùy biến thiết kế để có thể in nhanh và lập mục lục bản vẽ dễ dàng. Việc in ấn khi hoàn thiện có thể thực hiện nhanh chóng với các chức năng in như in nhiều tập tin theo thứ tự, in nhiều bộ hồ sơ, in theo số bản vẽ cần thiết
3 Comments
Cho em xin chương trình thiết kế này với. Thanks
Trả lờiXóaCho em xin chương trình thiết kế này với.
Trả lờiXóaPhần mềm có giá bao nhiêu thanh toán như thế nào
Trả lờiXóaCảm ơn
Vui lòng viết tiếng Việt có dấu!!!