SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG - ĐIỀU TRA VÀ XÁC ĐỊNH NGUYÊN NHÂN

By Nặc danh - tháng 4 25, 2012


PGS. TS. TRẦN CHỦNG
Viện KHCN Xây dựng

Tóm tắt: Bài báo giới thiệu trình tự và kỹ năng cần thiết khi tiến hành điều tra sự cố công trình xây dựng.
Bài báo này cũng trình bày những nguyên nhân chính và bài học từ các sự cố công trình xây dựng ở Việt Nam
trong những năm gần đây. Những thông tin trong bài báo là kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm của tác giả
trong quá trình tham gia trực tiếp điều tra sự cố công trình xây dựng.
1. Mở đầu
Trong một vài năm gần đây, trên thế giới và cả ở nước ta không ít công trình xây dựng kể cả
những công trình hiện đại, phức tạp đã bị sự cố. Có thể kể ra những sự cố điển hình như sập đổ bể bơi
AquaPark ở Matxcơva; sập ga Hàng không sân bay S. Đơ Gôn ở Pari; sập 2 nhịp neo cầu Cần Thơ
đang thi công; vỡ 50m đập chính đang thi công của công trình hồ chứa nước Cửa Đạt (xem các ảnh
1,2,3); sụp toàn bộ trụ sở Viện KHXH miền Nam do tác động của việc thi công tầng hầm cao ốc
Pacific tại TP. Hồ Chí Minh; hay là sự phá hoại công trình khi xảy ra động đất, lũ lụt và bão;… Thực
tế cho thấy, nhiều sự cố xảy ra trong những năm qua đều trong giai đoạn đang thi công và có chung
nguồn gốc là sự hiểu biết của chúng ta còn chưa đầy đủ về những tác động đặc biệt của thiên nhiên,
thiếu độ dự trữ về độ bền, độ ổn định của chính bản thân các giải pháp trong quá trình xây dựng,…
Điều này đặt ra một câu hỏi: liệu những công trình càng hiện đại, phức tạp thì càng ẩn chứa nhiều rủi
ro? Hay những nhận thức và các quy định kỹ thuật hiện có đã không tiếp cận được các tiến bộ trong
kỹ thuật xây dựng ngày nay? Trước thực trạng này, việc xác định rõ nguyên nhân của sự cố, rút ra các
bài học để quản lý an toàn (QLAT) công trình xây dựng là nội dung hết sức quan trọng trong tiến
trình đổi mới hệ thống quản lý chất lượng công trình xây dựng ở nước ta.
Chúng ta chỉ có thể tránh khỏi các rủi ro khi đã xác định rõ các nguyên nhân rủi ro để chủ động có
các giải pháp phòng ngừa trong quản lý chất lượng công trình được quán xuyến suốt các giai đoạn
chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và khai thác sử dụng. Vì vậy, việc phân tích nguyên nhân sự cố, sai
sót kỹ thuật nên được coi là một lĩnh vực cần được đầu tư nghiên cứu một cách hệ thống trong chiến
lược phát triển KHCN xây dựng nước nhà. Điều tra sự cố công trình là một công việc cực kỳ phức tạp
không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn cao mà cần có tinh thần trách nhiệm cao trước cộng đồng. Do
đó, việc điều tra bất kỳ một sự cố nào cũng cần phải được tổ chức một cách khoa học, khách quan với
sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm và các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại tùy theo cấp độ
của sự cố công trình hay những sai sót kỹ thuật. Nói cách khác, bất kỳ một sai sót nhỏ làm sai lệch
bức tranh toàn cảnh sự cố thì sẽ đưa ra những kết luận không khách quan hoặc thậm chí sai lầm và
như vậy nó chẳng giúp ích gì cho sự phát triển bền vững ngành xây dựng.
2. Một số khái niệm liên quan đến sự cố công trình xây dựng
Trong nội dung Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia hàng năm có phần thống kê của các địa
phương, ngành về sự cố các công trình xây dựng[2]. Để đảm bảo sự tiếp cận một cách thống nhất, Bộ
Xây dựng đã ban hành Hệ thống chỉ tiêu và chế độ báo cáo thống kê tổng hợp ngành xây dựng hướng
dẫn chi tiết nội dung kê khai này[3]. Tuy vậy, nội dung hướng dẫn này vẫn chưa cụ thể, còn định tính.
Định nghĩa sự cố: Sự cố công trình là những hư hỏng vượt quá giới hạn an toàn cho phép làm cho
công trình có nguy cơ sập đổ, đã sập đổ một phần, toàn bộ công trình hoặc công trình không sử dụng
được theo thiết kế (khoản 29 điều 3 Luật Xây dựng) [1].
Theo định nghĩa này, sự cố có thể được phân chi tiết hơn thành các loại sau:
- Sự cố sập đổ: bộ phận công trình hoặc toàn bộ công trình bị sập đổ phải dỡ bỏ để làm lại;
- Sự cố về biến dạng: Nền, móng bị lún; kết cấu bị nghiêng, vặn, võng… làm cho công trình có
nguy cơ sụp đổ hoặc không thể sử dụng được bình thường, phải sửa chữa mới dùng được;
- Sự cố sai lệch vị trí: Móng, cọc móng sai lệch vị trí, hướng; sai lệch vị trí quá lớn của kết cấu
hoặc chi tiết đặt sẵn… có thể dẫn tới nguy cơ sụp đổ hoặc không sử dụng được bình thường phải sửa
chữa hoặc thay thế;
- Sự cố về công năng: công năng không phù hợp theo yêu cầu; chức năng chống thấm, cách âm,
cách nhiệt không đạt yêu cầu; thẩm mỹ phản cảm… phải sửa chữa, thay thế để đáp ứng công năng của
công trình.


Download tài liệu đầy đủ


  • Share:

You Might Also Like

0 Comments

Vui lòng viết tiếng Việt có dấu!!!