Hướng dẫn Viết tiểu luận trong môn học quy hoạch đô thị
By Nặc danh - tháng 4 25, 2012
Những ý kiến cho sinh viên trên đây là những lưu ý rút ra từ những lỗi mà sinh viên thường mắc phải. Giảng viên có thể phổ biến trước cho sinh viên để tránh những lỗi lặp lại.
Trong môn học quy hoạch đô thị, ngoài việc thực hiện các đồ án thì việc rèn luyện kỹ năng viết cũng là một nội dung rất thiết thực hỗ trợ cho việc tiến hành một đồ án qui hoạch trong thực tế. Việc viết thuyết minh quy hoạch là một phần quan trọng của nội dung ngoài các bản vẽ.
Khác với một đồ án kiến trúc, thuyết minh quy hoạch với nhiều nội dung phân tích, tổng hợp hay thiết lập các sơ đồ, biểu bảng chiếm một khối lượng lớn của công việc phải thực hiện.
Trong thực tế đào tạo hiện nay, việc rèn luyện kỹ năng viết có phần bị coi nhẹ so với kỹ năng thể hiện trên bản vẽ. Hầu hết các kiến trúc sư quy hoạch mới ra trường khả năng viết còn nhiều hạn chế, lúng túng trong cách diễn đạt sử dụng câu chữ và đặc biệt là cách sắp xếp trình tự các vấn đề trình bày một cách có khoa học.
Chính vì vậy, việc đưa nội dung viết tiểu luận vào trong môn học Quy hoạch đô thị, rèn luyện cho sinh viên tăng khả năng viết là điều rất cần thiết.
Thực tế qua một số khoá học gần đây với việc đưa nội dung viết tiểu luận vào môn học cho thấy bước đầu đã có kết quả tốt, đạt được rất nhiều mục tiêu:
- Việc lựa chọn đề tài để viết đòi hỏi sinh viên phải có sự quan tâm đến các vấn đề đô thị xảy ra xung quanh. Những vấn đề có khi xảy ra hàng ngày nhưng trước đây không được để ý tới thì nay được mang ra mổ xẻ, phân tích, giúp sinh viên tiếp cận gần gũi với những vấn đề thực tế của đô thị, cụ thể như một vấn đề nhà ở trong khu ở của mình, việc tắc nghẽn giao thông trên đường phố mình vẫn đi qua… làm cho môn học trở nên thiết thực, bớt cảm giác khô khan, lý thuyết xa vời.
- Để phân tích vấn đề lựa chọn một cách khoa học đòi hỏi sinh viên phải ôn lại những kiến thức đã học, tìm tòi thêm tài liệu. Điều này bổ trợ rất nhiều cho việc học tập vì kiến thức đã được nghiền ngẫm, suy nghĩ sẽ thấm sâu hơn so với những giờ nghe giảng trên lớp đơn thuần.
- Việc được phát biểu ý kiến, quan điểm của mình về các vấn đề đô thị cũng là dịp để sinh viên có sự tự tin hơn trong việc nhận định, phê bình kiến trúc, đô thị. Nhiều học sinh cảm thấy rất hứng thú với đề tài mà mình chọn để viết, quá trình tư duy đã đem lại niềm say mê với khoa học, nhiều đề tài được sinh viên phát triển thành các đề tài nghiên cứu hoặc đề tài tốt nghiệp.
- Việc thực hành viết cũng đòi hỏi sinh viên tham khảo cách viết trên các tạp chí, tạo thói quen đọc sách, tham khảo các tài tiệu.
- Điều quan trọng nhất là sinh viên được rèn luyện cách diễn đạt một vấn đề có lô gíc, thể hiện qua cấu trúc bài viết chặt chẽ, các lập luận, lý giải vấn đề, được tập thể hiện câu, cách hành văn theo ngôn ngữ khoa học.
Hiện cũng có quan điểm cho rằng việc rèn luyện kỹ năng viết chỉ nên thực hiện ở mức độ đào tạo cao hơn như trình độ Thạc sĩ sau khi học viên đã được học môn học về nghiên cứu khoa học; sinh viên chúng ta còn thiếu thốn sách vở, tư liệu... Tuy nhiên thực tế đã cho thấy việc làm này không phải là quá khó đối với sinh viên, nhất là với thời kỳ thông tin kiến thức phát triển hiện nay. Đây cũng chính là cách mà rất nhiều nước đã áp dụng cho sinh viên học đại học, làm tăng tính tự giác học tập, tránh hình thức thu nhận kiến thức bị động, học thuộc lòng như ở nhiều môn học chúng ta vẫn áp dụng hiện nay.
Sau đây là một số kinh nghiệm xin được trao đổi với đồng nghiệp và các bạn sinh viên.
* Việc chọn đề tài:
Đề tài tiểu luận là dạng đề tài mở, tuỳ sinh viên lựa chọn. Việc ra đề dạng mở đòi hỏi sinh viên phải có suy nghĩ, tiếp cận với các vấn đề của thực tiễn để lựa chọn.
Với một nhiệm vụ được giao có phạm vi rộng. Ví dụ như “Viết về một vấn đề của đô thị” sinh viên có thể tìm thấy rất nhiều đề tài trong các vấn đề của cuộc sống đô thị hiện nay, có thể là tại Hà Nội hoặc nơi sinh viên đã sinh sống. Sinh viên nên lựa chọn các vấn đề có quy mô vừa phải. Ví dụ như : “Tình hình xây dựng cơi nới trong khu tập thể Kim Liên”, “Cảnh quan khu vực chia lô mặt phố, đường phố A”… là những vấn đề sinh viên có thể tiếp cận trực tiếp, dễ thu thập các số liệu, ví dụ minh hoạ, có thể phân tích sâu được. Tránh lựa chọn đề tài quá rộng. Ví dụ như: “Tình hình giao thông của Thủ đô Hà Nội” hoặc “Các khu đô thị mới ở Hà Nội”. Nếu lựa chọn đề tài dạng này sinh viên sẽ không đủ số liệu để phân tích, vấn đề quá lớn dẫn đến những nhận định chung chung, không có tính khoa học.
Việc lựa chọn đề tài mới, không trùng với những vấn đề đang được đề cập nhiều cũng vẫn được khuyến khích bởi những góc nhìn đa dạng chứng tỏ sinh viên có sự quan sát và suy nghĩ tìm tòi.
Việc lựa chọn đề tài, sinh viên nên tham khảo ý kiến của giảng viên trước khi viết. Giảng viên sẽ giúp sinh viên giới hạn lại vấn đề cũng như gợi ý cho các em hướng phân tích, những yêu cầu mà bài viết phải giải quyết trong phạm vi của một tiểu luận môn học. Hoặc sinh viên có thể thảo đề cương, dự kiến các nội dung nêu, phân tích để có thể nhận đựơc những góp ý của giảng viên một cách cụ thể hơn.
Một số sinh viên có thể hiểu sai về tiểu luận, đưa ra bản tóm tắt một dự án hoặc tóm tắt các nghiên cứu khoa học đã có. Cần hiểu viết tiểu luận là sự luận bàn khoa học về một vấn đề nào đó.
Xin đưa một số vấn đề của đô thị Hà Nội hiện nay để các bạn sinh viên tham khảo lựa chọn:
- Cái nhìn đô thị từ trên cao.
- Đô thị nhìn từ phía sông.
- Quảng cáo và kiến trúc đô thị, vấn đề đã đến lúc báo động.
- Việc sử dụng các sân chơi trẻ em trong các khu ở hiện nay.
- Các dòng chuyển động trong đô thị.
- Những ấn tượng về cửa ngõ đô thị
- Chợ cóc. Lỗi quản lý hay lõi quy hoạch.
- Chuồng cọp chung cư cũ và chung cư mới - Cần một cái nhìn thực tế.
- Hoạt động dịch vụ trong chung cư, đâu là những giới hạn.
- Đi tìm những không gian đẹp trong đô thị.
- Vị trí của các tranh áp phích cổ động, biểu trưng ngày lễ. Có cần nghiên cứu?
Qua những ví dụ trên các bạn sinh viên cũng có thể hình dung qui mô vấn đề của bài tiểu luận. Các bạn có thể tự tìm tòi vấn đề bằng cách quan sát xung quanh tại nơi mình đang sống, trên tuyến đường mình đi học, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề được phát hiện.
*Cách trình bày nội dung:
Khối lượng bài viết nên cô đọng trong khoảng 4 - 6 trang đánh máy khổ A4. Những vấn đề sau có thể coi là các nguyên tắc nói chung của một bài báo khoa học:
+ Tên của bài viết phải phù hợp với nội dung bài viết. Vì vậy phải lựa chọn câu chữ tiêu đề cho thật phù hợp với nội dung của bài viết, nội dung viết không lan man lạc xa vấn đề.
+ Bài viết cần có một cấu trúc chặt chẽ. Bài viết cũng cần có nêu vấn đề, phân tích, tổng hợp, đánh giá, kết luận hoặc kiến nghị. Chú ý không để các vấn đề nói lặp lại, lộn xộn như nêu kiến nghị trước khi nêu vấn đề hiện trạng…
+ Mỗi câu nhận định đều cần có ví dụ hoặc số liệu minh chứng hoặc được lý giải bằng những lập luận lô gíc. Tránh đưa những nhận định chung chung, võ đoán.
+ Không sử dụng văn nói trong khi diễn đạt câu. Với sinh viên đây là lỗi xảy ra rất phổ biến, cần lưu ý để hạn chế tối đa. Có thể là do thói quen hoặc chưa phân biệt được văn nói và viết.
+ Phần viết câu: Mỗi câu thể hiện một ý; hết một ý chuyển sang ý khác nên xuống dòng. Không viết liên tục suốt cả trang giấy. Mỗi ý nên diễn đạt trong khoảng 5 - 10 dòng.
+ Hạn chế sử dụng đại từ nhân xưng (tôi, em, chúng ta…) mà thường dùng đại từ ẩn bởi tất cả ý kiến trong bài viết đều được hiểu là của tác giả. Ví dụ không nên viết “Qua các phân tích trên đây em thấy rằng việc thực hiện qui hoạch trong khu vực là thiếu đồng bộ” mà có thể thay bằng câu: “Qua các phân tích trên đây cho thấy việc thực hiện qui hoạch trong khu vực là thiếu đồng bộ”.
+ Ngôn ngữ trong bài viết là ngôn ngữ khoa học, cần ngắn gọn, đủ ý vì vậy cần cân nhắc việc sử dụng những tính từ, trạng từ trong bài viết, không dùng những từ ngữ quá cường điệu như: “Thật kinh khủng; Không thể nào chịu được…”. Lược bỏ những từ thừa cũng là việc cần được chú ý.
+ Các ảnh, sơ đồ minh hoạ là rất cần thiết, tuy nhiên cần có ghi chú để minh hoạ rõ cho ý đồ phân tích của bài viết.
+ Trích dẫn tài tiệu tham khảo, số liệu sử dụng trong bài viết phải được nêu rõ nguồn. Việc sử dụng cả đoạn văn của các bài báo khác hoặc các số liệu không ghi nguồn là lỗi nặng, vi phạm bản quyền tác giả. Sinh viên cần tự giác chấp hành, không sao chép bài, đoạn văn trong các tạp chí đã đăng tải, các nghiên cứu đã công bố.
* Với giảng viên, xin được chia sẻ một số vấn đề:
Những ý kiến cho sinh viên trên đây là những lưu ý rút ra từ những lỗi mà sinh viên thường mắc phải. Giảng viên có thể phổ biến trước cho sinh viên để tránh những lỗi lặp lại.
Việc lựa chọn đề tài rất cần sự hướng dẫn góp ý của giảng viên. Thông qua các bài giảng lý thuyết trên lớp, giảng viên cũng có thể gợi mở, đặt ra các câu hỏi, vấn đề để các em lựa chọn đề tài. Để cho sinh viên có thời gian tìm đề tài, nhiệm vụ viết tiểu luận cần được giao cho sinh viên ngay từ khi bắt đầu môn học và kết thúc khoảng 2 tuần trước khi môn học kết thúc. Kết quả của bài tiểu luận sẽ là một phần trong kết quả điểm chung của cả môn học.
Việc sửa chữa chấm bài cho sinh viên và trả bài cho sinh viên cũng đòi hỏi nhiệt tình của giảng viên. Việc chấm các bài tiểu luận không chỉ ở việc cho điểm mà ý nghĩa ở việc chữa bài, nêu các lỗi để sinh viên rút kinh nghiệm. Việc chữa trực tiếp vào bài viết, trả bài trên lớp là phần việc quan trọng. Sinh viên sẽ tiếp nhận được kết quả tốt nếu được giảng viên chữa cả về nội dung, cấu trúc và văn phạm của bài tiểu luận. Việc này cũng đòi hỏi thời gian và không dễ thực hiện trọn vẹn với số sinh viên của một lớp đông như hiện nay.
Hy vọng những ý kiến trên đây sẽ đóng góp cho công việc dạy và học tập môn quy hoạch đô thị được tốt hơn.
TS. Phạm Hùng Cường.
0 Comments
Vui lòng viết tiếng Việt có dấu!!!