Người lưu giữ thời gian
Ngôi nhà khuất sâu bên trong được ngăn cách bởi khoảng sân giản dị như là một không gian chuyển tiếp “lịch sự” giữa cái nhốn nháo bên ngoài và một thế giới hoàn toàn khác, sang trọng bên trong.
Người ta bảo “văn là người”. Cũng như vậy, ta có thể nói “nhà là người”. Và người cũng chính là nhà. Cho nên nói về ngôi nhà chính là nói về con người. Người chủ ngôi nhà này sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật. Cụ thân sinh ra bà là họa sĩ thế hệ mỹ thuật Đông Dương. Bản thân bà vừa được thừa hưởng cái gien nghệ thuật của bố, vừa được hấp thụ văn hóa một cách rất căn bản từ những năm học dưới mái trường của một quốc gia có nền văn hóa đồ sộ là nước Pháp. Do vậy, những tố chất, tính cách, sự cảm nhận thẩm mỹ đầy cá tính cũng từ cái gốc gác văn hóa đó.
Căn biệt thự cổ của bà ẩn sâu tận cùng một con hẻm, giữa sự bao bọc của một đời sống nhốn nháo mang đầy tính thời cuộc. Nhưng rất may, nó không phơi mặt ra ngoài để bị rơi vào thế lạc lõng. Nó khuất sâu bên trong, được ngăn cách bởi khoảng sân rộng, cái khoảng sân giản dị như là một không gian chuyển tiếp “lịch sự” giữa cái nhốn nháo bên ngoài và một thế giới hoàn toàn khác, sang trọng bên trong. Ngay khi đã vào trong sân, ngôi nhà cũng chỉ được nhìn thấy thấp thoáng qua lùm cây. Như một khoảng đệm tâm lý, nó khiến người ta được chuẩn bị để đi vào với một tình cảm thân thiện, không khiến ngại ngùng.
Kiến trúc mang hồn cốt Đông Dương được phục chế gần như nguyên vẹn. Ngôi biệt thự có từ đời cha ông, cũng may là số phận của nó cuối cùng vẫn về với người trong dòng họ và có đủ khả năng để gìn giữ nó mà không bị biến dạng. Việc lưu giữ những dấu ấn trong ngôi nhà có lẽ không chỉ là thú chơi mà là một đạo lý, và đã gặp được người đồng điệu.
Phòng khách có vẻ như một bảo tàng nhỏ, có tính lưu giữ và trưng bày. Sự lưu giữ thể hiện ở cái nền nhà lát gạch bông với hoa văn được sản xuất từ những năm đầu thế kỷ trước. Những cây đà ngang dọc lộ ra, quạt trần cổ treo cao quay lờ lững. Hình ảnh những người thân thuộc nhiều thế hệ. Sự trưng bày bằng những món đồ gỗ kiểu cổ không đồng nhất là kiểu mà chủ nhân thích thú, có cái rất trau chuốt kỹ lưỡng và những cái cực kỳ bình thường, miễn là hòa điệu và ra cá tính.
Ngoài những không gian “master” ở phòng khách, hay mang tính hưởng thụ hoàn hảo như ở hàng hiên có bộ ghế mây quyến rũ với góc nhìn bao quát toàn cảnh khu vườn, thì lại có những cái ghế gỗ, những giỏ mây được đặt ở những vị trí phụ hoàn toàn ngẫu hứng, chỗ bước lên ở cầu thang (đặc trưng của lối sinh hoạt châu Âu), hoặc hiên nhà. Mỗi vị trí ngồi, mỗi góc nhìn sẽ mang tới những cảm giác khác nhau. Cho nên đôi khi người ta thích rời bỏ cái phô tơi êm ả nơi khang trang phòng khách để nhấm nháp ly cà phê, đọc tờ báo ở ngay một chỗ tưởng chừng như rất vớ vẩn giữa lối đi.
Nội thất ngôi nhà toát lên một vẻ sang trọng xưa cũ, có cốt cách. Có thứ bày ra để chơi, có thứ bày ra để sử dụng, kiểu bừa bộn trên bàn làm việc, cách treo tranh ảnh, nhưng đều tạo ra không khí, một không khí có thể cảm nhận về một phong cách sống. Có điều lạ là nhiều thành phần trong cái không gian ấy lại rất cũ, và đơn giản. Những cánh cửa chớp bằng gỗ thường sơn xanh, bàn làm việc kiểu công chức thời Tây, thậm chí có cái bàn viết sơn xanh lạc hẳn với gam màu chung của tổng thể như cố tình tạo ra một sự chắp vá cọc cạch, ghế dựa đơn giản, nhưng chúng không làm mất đi vẻ sang trọng chung, mà lại tạo ra phong cách. Nó cho thấy những giá trị luxury dường như là ở cái riêng, cái có giá trị ở thời gian, cái xác định của mỗi người chứ không hẳn ở những giá trị thuộc phạm trù tốt xấu. Bức tường mọc rêu xanh bên sân nước là hình ảnh còn lại từ cách sinh hoạt của một thời, nó được lưu giữ một cách tự nhiên qua thói quen, lối sống. Thế nhưng dường như nó khiến ta ngắm nhìn bằng sự cảm nhận thẩm mỹ nhiều hơn. Chủ nhân ngôi nhà này có một khu nghỉ ở Phú Quốc, nơi đó, căn phòng của bà được làm từ những bộ phận tháo ra từ một căn nhà cũ. Dường như lúc nào cũng vậy, với bà, sự lưu giữ quá khứ như một giá trị tinh thần và thẩm mỹ luôn là một nét tính cách, một bản sắc không thể thiếu trong ngôi nhà.
BÀI: TẠ MỸ DƯƠNG ẢNH: TRỌNG NHÂN
(KTNĐ số 11-2007)
0 Comments
Vui lòng viết tiếng Việt có dấu!!!