Kỳ tích đập bê tông đầm lăn
Vào thập niên 1990, Việt Nam đã xây dựng thành công Nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á trên khúc sông Đà thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình với công suất 1.920MW. Mười năm sau, cũng trên dòng sông Đà phía thượng nguồn đoạn thị trấn Ít Ong thuộc tỉnh Sơn La, nước ta lại có thêm một thủy điện lớn hơn, công suất 2.400MW. Nếu xây dựng thủy điện Hòa Bình phải mất 15 năm, thì thời gian thi công thủy điện Sơn La rút ngắn chỉ còn một nửa. Có nhiều yếu tố góp phần làm nên điều thần kỳ ấy, trong đó phải kể đến kỳ tích về việc đắp đập bê tông đầm lăn, con đập dâng nước- một hạng mục quan trọng số 1 của thủy điện Sơn La.
Từ không thể trở thành có thể
Sau những tính toán của các nhà tư vấn thiết kế của chủ đầu tư và nhà tổng thầu, thủy điện Sơn La được ban chỉ đạo cấp nhà nước phê duyệt phương án đắp đập bằng công nghệ bê tông đầm lăn. Đơn vị chủ lực được giao nhiệm vụ chính là Cty CP Sông Đà 5, có sự phối hợp của Cty CP cơ giới Sông Đà 9.08.
Việc đắp đổ thành công, an toàn đập dâng nước công trình thủy điện Sơn La do Cty Sông Đà 5 thi công thắng lợi, ngoài tinh thần lao động sáng tạo còn là những ý tưởng táo bạo, tinh thần dũng cảm của tập thể Cty. Đập dâng nước ở Sơn La với chiều dài gần 1km từ bờ trái vắt ngang qua bờ phải nhằm chặn đứng dòng chảy của sông Đà, có bề rộng từ đáy đập là 120m và phải đắp lên cao trình 138m, vì vậy riêng số lượng bê tông đầm lăn phải “ném” vào đây gần 3 triệu m3. Gần 3 triệu m3 bê tông cho một con đập, nếu không phải là công nghệ đầm lăn thì có lẽ phải mất khoảng trên dưới chục năm mới hoàn thành. Đây là công nghệ sản xuất bê tông hiện đại đã xuất hiện ở một số nước trên thế giới nhưng đối với Việt Nam là công nghệ lần đầu được áp dụng một cách đồng bộ có số lượng lớn. Với kinh nghiệm đào đắp và làm công tác bê tông của thợ Sông Đà từ 50 năm qua chưa khi nào mua sắm một dây chuyền công nghệ lên tới 21 triệu USD như lần này.
Theo lãnh đạo Cty Sông Đà 5 thì việc đầu tư một số tiền lớn để mua một dây chuyền sản xuất bê tông hiện đại trong lúc kinh tể nói chung đang gặp khó khăn, quả là một thách thức. Mặc dù vậy, Sông Đà 5 vẫn chấp nhận, dù lợi nhuận có giảm, song bù lại toàn đơn vị sẽ bước những bước tiến mới vào lĩnh vực công nghệ khoa học hiện đại. Tổng giám đốc Trần Văn Huyên cho biết: Có nhiều yếu tố làm nên sự thành công của việc đầu tư dây chuyền RRC. Yếu tố đầu tiên là Sông Đà 5 đã sáng suốt lựa chọn được công nghệ phù hợp, chọn được nhà thầu cung cấp thiết bị uy tín. Các thiết bị quan trọng của dây chuyền đều được nhập từ các nước G7, nhà cung cấp thiết bị đã đưa chuyên gia của mình đến tận chân công trình hướng dẫn, chuyển giao công nghệ. Làm việc với họ, người thợ Sông Đà được tiếp cận và học tập phong cách làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc, kỷ luật… Một yếu tố đem đến thành công khác là Sông Đà 5 chuẩn bị lực lượng đội ngũ vận hành tốt trong dây chuyền.
Sức mạnh của ý chí kết hợp với công nghệ cao đã làm nên kỳ tích
Để sản xuất ra những mẻ bê tông đặc hiệu, Cty Sông Đà 5 đã phải xây dựng riêng một nhà máy sản xuất đá lạnh công suất lớn, phải đặt mua số lượng nguyên liệu tro bay từ Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí làm phụ liệu, phải có cả một hệ thống dây chuyền khai thác cát, đá sau đó đưa qua các trạm nghiền, sàng, tinh lọc thành những nguyên phụ liệu đủ tiêu chuẩn mới đưa vào nhà máy sản xuất. Tất cả mọi công đoạn trên đều phải tiến hành đồng bộ và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật với sự giám sát thường xuyên của các chuyên gia và Hội đồng cấp cao trên công trường. Khi sản phẩm của Nhà máy đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ được vận chuyển lên băng tải dài hơn 2km đưa đến mặt đập bàn giao cho lực lượng cơ giới thuộc Cty Sông Đà 9.08.
Giám đốc Cty 9.08 chia sẻ, khó khăn lớn nhất mà đơn vị phải đối diện là cường độ làm việc lớn. Khối lượng bê tông thi công mỗi ngày đạt 5.600 - 6.000m3, khi cao điểm có thể lên tới 8.000m3/ngày. Để đảm bảo yêu cầu Sông Đà 9.08 đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đưa hơn chục máy đầm, máy ủi và ô tô hoạt động riêng trên mặt đập. Một khó khăn khác của Sông Đà 9.08 là phải khắc phục sự phụ thuộc vào thời tiết. Ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 400C thì bê tông RRC lạnh ra đến hiện trường vẫn phải được duy trì ở nhiệt độ 220C. Để làm được điều này, Sông Đà 9.08 đầu tư hệ thống phun sương hỗ trợ, giữ lạnh, tạo độ ẩm cần thiết cho bê tông đảm bảo chất lượng.
Việc làm chủ kỹ thuật vận hành thành công khối lượng ngót 3 triệu m3 bê tông đầm lăn tại Sơn La của Cty Sông Đà 5 đã giảm bớt 15 nhân công mỗi ca, loại bỏ rất nhiều động tác lao động thủ công, tiết kiệm sức lực cho người lao động, làm lợi hàng trăm tỷ đồng, đặc biệt Cty đã hoàn thành các đợt chống lũ thắng lợi cho toàn bộ công trình, góp công lớn cho việc xây dựng thành công Nhà máy thủy điện Sơn La sớm hơn dự định 3 năm, làm lợi trên 20 nghìn tỷ đồng. Nhân dịp khánh thành Thủy điện Sơn La vào ngày 21/12 này, Cty CP Sông Đà 5 được Nhà nước ghi công và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Việc xây dựng con đập bê tông lớn nhất Đông Nam Á, là một kỳ tích phi thường.
Công trình đập đã được thi công tốt và là một hình ảnh tiêu biểu cho những thành tựu mà các nhà thầu Việt Nam có thể đạt được.
|
0 Comments